Trang chủBài viếtGiveaway Booster

NAVIRANOBE

THEMEOKI

background image
blog post mamasuki

Vị trí thực sự của hình mình họa trong Light Novel là gì?

Đăng tải 11 tháng 01, 2024 | Xã Hội Trên Giấy

CN

Đứa biết nhiều thứ 2 về Light Novel chuyên reply comment xin name

@TheMeoki

"Nếu được một họa sĩ vẽ đẹp, nổi tiếng minh họa cho thì bất kể nội dung như thế nào cũng bán được."

Light Novel là loại tiểu thuyết nhấn mạnh vào nhân vật. Khi nói về các nhân vật trong light novel, người ta không chỉ biết tên mà còn biết cả những thông tin khác như ngoại hình, tính cách hay các đặc điểm thể chất khác. Đó là do các tác giả light novel đã biết cách hình dung rõ ràng và nhấn mạnh vào các đặc điểm này để tạo ra các nhân vật với nhiều thuộc tính như ngực bự, tóc hai bím, tsundere hay là các mối quan hệ bối cảnh đi kèm như bạn thời thơ ấu hoặc bạn cùng lớp gì đó.

Và phương tiện giúp quảng bá một cách mạnh mẽ về hình ảnh của những nhân vật như vậy đó chính là hình minh họa, đó là lợi thế và cũng là một yếu tố quan trọng khác của thể loại light novel.

Tuy nhiên, vị trí thực sự của hình minh họa trong light novel là gì? Ở Nhật có một số nhà sách khi quảng bá tác phẩm mới nào đó thì thứ họ chú trọng lại là tên của họa sĩ minh họa chứ không phải tác giả, tên họa sĩ được in to khỏe rõ ràng bắt mắt trong khi của tác giả nằm ở một góc nhỏ hơn. Trước đây cũng có những tin đồn về việc tác phẩm bị ngừng xuất bản do họa sĩ minh họa cho bộ đó rời khỏi bộ truyện vì lý do nào đó.

Hình minh họa trong light novel

Tất nhiên, sức ảnh hưởng của minh họa là không thể bàn cãi, đặc biệt là minh họa đẹp mắt. Một bộ nội dung thường thường không có gì lạ nhưng nhờ họa sĩ vẽ đẹp nổi tiếng nên doanh thu triệu bản là bình thường. Một ví dụ khác, không chỉ light novel, năm 2007 khi Shueisha xuất bản một ấn bản có minh họa được vẽ bởi Obata Takeshi cho kiệt tác "Thất Lạc Cõi Người" của Dazai Osamu, nó đã bán được 90 nghìn bản so với chỉ 10-20 nghìn bản trước đó.

Rất nhiều độc giả light novel chọn mua sách không vì nội dung mà là vì những tranh minh họa đẹp mắt được vẽ bởi họa sĩ yêu thích của họ. Đây cũng là một yếu tố giúp thu hút những độc giả mới đến với thể loại light novel, mặc kệ có trung thành hay không, vì thứ người ta quan tâm vẫn là doanh thu. Đó cũng là lí do cho những tác phẩm được xuất bản với mục tiêu "bán minh họa chứ không phải bán nội dung".

Minh họa là thứ đầu tiên người ta nhìn thấy khi bắt gặp một cuốn light novel. Trước khi có thể đọc nội dung, ngoại hình của các nhân vật chính đã được mô tả chi tiết trên trang bìa với những minh họa đi kèm sau đó, bao gồm minh họa với những khung thông tin đơn giản như tên, tuổi hay tính cách và câu chuyện bối cảnh. Nói cách khác, trong light novel, các nhân vật xuất hiện trước cả nội dung, và những thông tin được đính kèm đó cũng giúp truyền tải đến độc giả một mức độ nhất định về không khí của tác phẩm, ngoài ra độc giả cũng có thể xây dựng được một hình ảnh tổng quan về nhân vật trước khi bước vào câu chuyện chính.

Điều này cho phép độc giả có thể lựa chọn light novel yêu thích của mình chỉ bằng cách nhìn vào bìa, và họ cũng có thể thỏa thích đoán nội dung câu chuyện dựa vào những hình minh họa đó. Do đó, việc “mua theo bìa” là một hành vi rất phổ biến trong cộng đồng độc giả light novel. Điều này ít thấy trong các thể loại tiểu thuyết khác ngoài light novel. Tất nhiên, việc ảnh bìa đánh lừa độc giả là quá bình thường, vì vậy không phải lúc nào minh họa và nội dung cũng ăn khớp với nhau.

Lưu ý không ăn khớp ở đây tức là diễn biến của câu chuyện khác với những gì hình minh họa thể hiện, chứ không phải là không ăn khớp giữa phong cách toát ra từ hình minh họa và bầu không khí của câu chuyện. Bởi vì họa sĩ phụ trách vẽ minh họa cho tác phẩm đã được chọn lọc rất kĩ càng trước đó bởi nhà xuất bản và biên tập viên phụ trách.

Theo chia sẻ từ một biên tập viên của GA Bunko, khi chọn họa sĩ minh họa họ sẽ lựa chọn theo các yếu tố sau:

- Độ dễ thương: trong thời đại của hài lãng mạn, nhân vật nữ chính trên trang bìa rất quan trọng, vì vậy những ai vẽ được nữ nhân vật dễ thương sẽ được đưa vào danh sách đầu tiên.

- Màu sắc: những họa sĩ có cách phối màu bắt mắt sẽ ấn tượng hơn.

- Bố cục và tình huống: những người thường xuyên vẽ tranh với nhiều loại bố cục và tình huống khác nhau như có thể vẽ nữ chính từ góc nhìn dưới lên, hay một không gian tĩnh lặng nữ chính đang đứng, hoặc có thể vẽ những cảnh chiến đấu với biểu cảm sống động. Đó là những tài năng có thể vẽ được một thế giới mê hoặc độc giả.

- Có thể vẽ bất cứ thứ gì: một nữ sinh mặc đồng phục, một yêu tinh tới từ dị giới, một chàng trai lạnh lùng, một ông già lỏi đời,.. không có ai giỏi vẽ tất cả những thứ trên nhưng lại vẽ minh họa kém cả.

- Vẽ liên tục: những người hay chia sẻ tác phẩm của họ trên SNS mỗi ngày là những người có thể làm việc với hiệu suất cao, họ rất hấp dẫn.

- Đủ độc đáo: tranh vẽ để lại một ấn tượng mạnh và đôi khi đọc bản thảo thì sẽ nghĩ ngay tới "phải là người đó vẽ minh họa mới được".

- Vẽ đơn sắc tốt: phần lớn hình minh họa light novel là trắng đen nên cũng cần phải chắc chắn họ giỏi về khoản này.

Đó là khi nhà xuất bản đã có bản thảo và chỉ cần chọn họa sĩ minh họa như trong các cuộc thi tân binh. Tuy nhiên bên cạnh đó là những tác giả chuyên viết cho nhà xuất bản và họ sẽ được yêu cầu viết một tác phẩm mới.

Theo chia sẻ từ tác giả Saeki Yousuke, quá trình của hình minh họa khi sáng tác một tác phẩm cho đến khi xuất bản như sau:

- Giai đoạn quyết định họa sĩ minh họa: đây là điều tác giả sẽ được hỏi trước khi viết hoặc trong giai đoạn viết. Có đôi khi tác giả sẽ được chọn người sẽ minh họa cho mình, đôi khi thì không. Biên tập viên là người quyết định cuối cùng.

- Sau đó tác giả sẽ bắt đầu phát triển câu chuyện, dựa vào những bức tranh trong quá khứ của họa sĩ để mở rộng ý tưởng.

- Tiếp theo là giai đoạn họa sĩ minh học đọc bản thảo: thường là 3-4 tháng trước khi xuất bản. Tùy vào tác giả, nếu người có tâm thì sẽ chuẩn bị một file tóm tắt chi tiết các đặc điểm của nhân vật và gửi cho họa sĩ. Và đôi khi họa sĩ cũng sẽ chủ động liên hệ để hỏi về những thắc mắc của mình, điều này cũng tùy thuộc vào từng người, vì có đôi khi họa sĩ và tác giả làm việc trên cùng một tác phẩm nhưng lại không hề liên lạc với nhau câu nào.

- Hai tháng trước khi phát hành, các bản vẽ thô ra lò, sau đó là quá trình góp ý chỉnh sửa nếu cần.

- Một tháng trước khi phát hành, công bố bìa và tóm tắt cho tác phẩm. Cuối cùng mới đến ngày phát hành.

Đó là về những ảnh bìa và minh họa màu cùng một số thông tin thêm từ phía nhà xuất bản và phía tác giả, còn chiếm phần lớn số lượng minh họa của một tác phẩm vẫn là những minh họa đen trắng. Những hình ảnh này không có mục đích gì khác ngoài hỗ trợ trí tưởng tưởng của độc giả khi xuôi dòng theo nội dung câu chuyện, giúp độc giả hình dung rõ hơn về thế giới quan và tăng sức cuốn hút vào câu chuyện hơn. Khi đó, hình minh họa không chỉ là một yếu tố kèm theo mà nó còn là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên tác phẩm.

Tóm lại, nhà xuất bản có thể quan tâm đến doanh thu trước tiên nhưng với những độc giả yêu chữ thì vẫn nên coi trọng nội dung hơn. Minh họa "hỗ trợ trí tưởng tưởng" và cũng chỉ nên dừng lại ở "hỗ trợ trí tưởng tưởng", không cần thần thánh hóa quá mức mặc dù xu hướng coi trọng hình minh họa là không thể tránh khỏi. Những độc giả chỉ mua sách vì minh họa cũng cần được tôn trọng vì họ cũng là những người tạo ra doanh thu cho tác phẩm, đồng nghĩa với cộng đồng có được đọc tập tiếp theo không cũng phải dựa vào những đóng góp của nhóm độc giả đó.

chibi image for detail post